Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science gần đây cho thấy việc giảm lượng đường trong 1.000 ngày đầu đời (tính từ khi thụ thai cho đến khi 2 tuổi) có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở trẻ khi trưởng thành.
Theo CNN, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc giảm lượng đường tiêu thụ trong khoảng thời gian này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 khoảng 35% và nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao khoảng 20%. Họ cũng phát hiện ra rằng bệnh khởi phát chậm hơn lần lượt là 4 năm với tiểu đường loại 2 và và 2 năm với cao huyết áp.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu trước và sau khi chế độ phân phối đường trong Thế chiến II của Vương quốc Anh kết thúc vào tháng 9/1953. Vào tháng 1 năm 1940, Vương quốc Anh bắt đầu cung cấp thực phẩm theo khẩu phần để phù hợp với thời kỳ thiếu hụt thời chiến. Việc tiếp cận các loại thực phẩm như đường, chất béo, thịt xông khói, thịt và pho mát vì vậy cũng bị hạn chế.
Tuy nhiên, khi chế độ phân phối đường và đồ ngọt kết thúc vào tháng 9/1953, lượng đường tiêu thụ hàng ngày trung bình của người lớn ở Anh gần như tăng gấp đôi ngay lập tức, từ khoảng 40g lên 80g.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu sức khỏe từ UK Biobank, một cơ sở dữ liệu y sinh lớn và là nguồn nghiên cứu theo dõi con người trong thời gian dài, trên khoảng 60.183 người tham gia sinh từ tháng 10/1951 đến tháng 3/1956, trước và sau khi kết thúc chế độ phân phối, để xác định tác động của việc tăng mạnh lượng đường tiêu thụ.
Tadeja Gracner, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu Xã hội thuộc Đại học Nam California, cho biết: “Việc hạn chế đường đã tạo ra một thí nghiệm tự nhiên thú vị”.
Phân tích trong khoảng thời gian 6 năm cho thấy nguy cơ béo phì giảm 30% ở trẻ sơ sinh được thụ thai hoặc sinh ra trong thời gian hạn chế khẩu phần ăn, trong khi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và tăng huyết áp nhanh hơn ở trẻ em sinh ra sau khi kết thúc chế độ hạn chế đường. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc hạn chế tiêu thụ đường của các bà mẹ trong thời gian mang thai và trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời có thể làm giảm “sở thích suốt đời” đối với đồ ngọt.
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống liên bang dành cho người Mỹ giai đoạn từ 2020-2025, bất kỳ ai từ 2 tuổi trở lên cũng nên hạn chế lượng đường bổ sung tiêu thụ hàng ngày dưới 10% tổng lượng calo. Tuy nhiên, điều này dường như khá khó có thể duy trì trong thời buổi hiện nay khi đường có ở khắp mọi nơi và ở mọi loại thực phẩm
Các nhà nghiên cứu cho biết trong nghiên cứu mới rằng, phụ nữ mang thai và cho con bú thường tiêu thụ lượng đường bổ sung trung bình cao gấp 3 lần lượng đường khuyến nghị, vượt quá 80g mỗi ngày. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cảnh báo rằng nhiều trẻ em từ 1 đến 5 tuổi không ăn đủ trái cây và rau quả hàng ngày nhưng lại thường xuyên uống đồ uống có đường.
Tiến sĩ Mark Corkins, trưởng khoa tiêu hóa nhi khoa và giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết một cách để cha mẹ giảm lượng đường tiêu thụ ở trẻ nhỏ là thay đổi thói quen của chính mình, làm gương cho những thói quen đó.
Những cách khác để giảm lượng đường tiêu thụ bao gồm thay thế đồ uống có đường bằng các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn hoặc cắt bỏ hoàn toàn, và tránh để đồ ăn vặt cũng đồ uống có đường ở nhà, nơi chúng có thể hấp dẫn hơn. Chìa khóa là thực hành điều độ khi tiêu thụ đồ ăn có đường.