Bên cạnh các chỉ số đường kính lưỡng đỉnh, cân nặng, chu vi vòng đầu, chu vi bụng thì chiều dài xương đùi thai nhi cũng là một chỉ số vô cùng quan trọng nói lên tình hình phát triển của thai nhi mà bố mẹ cần biết rõ. Vậy ý nghĩa của chỉ số này là gì, các yếu tố ảnh hưởng và chỉ số chiều dài xương đùi tiêu chuẩn theo từng tuần tuổi như thế nào? Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Chiều dài xương đùi nói lên điều gì?
Chiều dài xương đùi thai nhi hay Femur Length (chiều dài xương đùi FL) được bắt đầu xác định từ tuần thai thứ 14 và liên tục được theo dõi trong những tuần sau đó. Chỉ số này không chỉ giúp dự đoán chiều cao của bé trong tương lai mà còn là một trong những tiêu chí đánh giá nguy cơ bé mắc hội chứng Down bẩm sinh. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng khi siêu âm thấy chiều dài xương đùi ngắn hơn bình thường bởi để chắc chắn bé có bị bệnh Down hay không còn cần kết hợp với nhiều thông số khác. Từ kết quả siêu âm thực tế theo từng tuần, bác sĩ sẽ tư vấn cho bố mẹ chế độ ăn uống để cải thiện chiều dài xương đùi của bé.
Yếu tố ảnh hưởng tới chiều dài xương đùi
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều dài xương đùi của thai nhi bao gồm các yếu tố chính sau:
– Di truyền: Đây là yếu tố có tính quyết định tới 23% chiều dài xương đùi của thai nhi. Theo đó bố mẹ có chiều cao thấp sẽ sinh con có chiều cao khiêm tốn, ngược lại bố mẹ cao sẽ di truyền sang con cũng có chiều cao vượt trội. Di truyền là yếu tố không thể tác động nhưng bố mẹ đừng lo lắng vì vẫn còn rất nhiều yếu tố khác mà chúng ta có thể tác động để cải thiện chiều cao cho con.
– Chế độ dinh dưỡng: Là yếu tố rất quan trọng với chiều dài xương đùi của thai nhi, nó giải thích cho những trường hợp bố mẹ thấp nhưng sinh con lại cao. Để giúp cải thiện chiều cao cho con, mẹ bầu có thể bổ sung nhóm dưỡng chất tốt cho xương gồm: vitamin D, sắt, axit folic, canxi, đạm, i ốt, axit béo không no (DHA, ARA…)
– Môi trường: Theo một nghiên cứu của Mỹ, những mẹ bầu sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi sẽ sinh con có cân nặng giảm tới 9% và chỉ số vòng đầu giảm 2%. Trong khi đó, những mẹ bầu sống trong môi trường trong lành, chiều cao và cân nặng của em bé đều đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, các mẹ bầu hãy cố gắng tránh nơi có ô nhiễm như tránh khói thuốc lá, đóng kín cửa vào giờ giao thông cao điểm, thường xuyên sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
– Thói quen của mẹ: Những thói quen không tốt của mẹ như không uống sữa nhưng lại ăn quá nhiều chất béo; thức khuya, uống nước ngọt, cafe, rượu bia hoặc hút thuốc lá… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển xương của thai nhi.
Vì vậy, muốn cải thiện chiều dài xương đùi cũng như chiều cao cho con, bố mẹ hãy chú ý cải thiện các yếu tố về chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và thói quen nhé!
Chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần tuổi
Theo từng tuần tuổi, chiều dài xương đùi thai nhi sẽ có những thông số tiêu chuẩn khác nhau. Bố mẹ nên theo dõi sát sao bảng tiêu chuẩn này để biết được thai nhi có đang phát triển bình thường không, từ đó có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp.
(Nguồn: theasianparent.com)
Nguyên nhân khiến chiều dài xương đùi ngắn
Chiều dài xương đùi ngắn là một trong những yếu tố để đánh giá nguy cơ thai nhi bị mắc hội chứng Down, tuy nhiên đây chỉ là một yếu tố phụ, không phải em bé nào có xương đùi ngắn cũng bị bệnh Down. Một số nguyên nhân khiến chiều dài xương đùi của thai nhi ngắn hơn tiêu chuẩn gồm:
– Thai nhi bị suy sản tiểu não: Nếu mẹ cảm thấy đau bụng bất thường, hãy tới bệnh viện để được thăm khám và đừng quên lịch khám thai định kỳ mẹ nhé..
– Di truyền từ bố mẹ: Không lạ nếu bố mẹ có chiều cao thấp nên thai nhi có chiều dài xương đùi ngắn.
– Thiếu canxi: Canxi là chất không thể thiếu trong quá trình tạo xương. Nếu mẹ bầu bổ sung không đủ lượng canxi cần thiết sẽ ảnh hưởng đến chiều dài xương đùi của thai nhi. Vì vậy, các mẹ phải chú ý bổ sung canxi bằng cách uống sữa và chế phẩm từ sữa nhé.
Tóm lại, chiều dài xương đùi thai nhi là một chỉ số quan trọng phản ánh tình hình phát triển của thai nhi nhưng bố mẹ không cần quá lo lắng khi con không có chiều dài tiêu chuẩn, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, mẹ có thể cải thiện chỉ số này cho con thông qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày.