Cứ nghĩ rằng từ chối các đòi hỏi của con bằng một tiếng “không” dứt khoát sẽ ngăn chặn được các cơn mè nheo, hờn dỗi, nhưng theo chuyên gia tâm lý, đây lại là một sai lầm hầu như phụ huynh nào cũng mắc phải.
Jo Frost cùng chương trình truyền hình thực tế của riêng cô mang tên Supernanny, vốn rất nổi tiếng ở Mỹ. Trong đó, chuyên gia tâm lý trẻ em Jo Frost hướng dẫn các bố mẹ cách giải quyết những băn khoăn có thể gặp phải khi nuôi dạy con từ những năm tháng đầu đời.
Trong cuộc phỏng vấn với trang Kidspot Australia, Jo Frost nhấn mạnh một điều mà tất cả phụ huynh khi nuôi dạy con nhỏ trong độ tuổi chập chững biết đi cần hết sức lưu tâm.
Càng nói “không” càng phản tác dụng
Jo Frost nhấn mạnh: “Trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi thông minh hơn rất nhiều so với hình dung của bạn! Đừng đánh giá thấp bọn trẻ. Và hãy dành càng nhiều thời gian càng tốt để quan sát hành vi của trẻ. Trẻ lắng nghe những tín hiệu không lời của chúng ta và tiếp thu những gì không được nói ra. Trẻ độ tuổi chập chững biết đi sống trong thế giới mà các quy tắc chẳng cần biết đến”.
Sau đó, Jo Frost tiếp tục chỉ ra một sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải liên quan tới việc dạy con nhỏ và cách xử lý hành vi của chúng: “Khi một ông bố hay bà mẹ nói: ‘Không, con không thể có thứ đó được’, trẻ sẽ còn la khóc nhiều hơn. Và nếu từ ‘không’ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trẻ sẽ càng phản ứng dữ dội hơn nữa cho tới khi cha mẹ phải đầu hàng và rốt cuộc, trẻ có được thứ mình muốn.
Vậy đứa trẻ học được gì từ tình huống này? Nếu muốn một thứ gì đó, chỉ cần khóc toáng lên như thế là đủ, là sẽ có được thứ đó thôi”.
Cũng theo tiết lộ của Jo Frost, bất kể chúng ta có chối bỏ thực tế này thế nào đi nữa thì mọi phụ huynh đều sẽ trải nghiệm điều tương tự tại một thời điểm trong đời: “Tôi sẽ không bao giờ tin một người mẹ nếu cô ấy nói rằng con mình chẳng làm thế. Đây là hành vi thông thường của một đứa trẻ chập chững biết đi”.
Sự kiên định, nhất quán thực sự mang ý nghĩa then chốt trong nuôi dạy con
Trong khi có thể dễ dàng nhận biết hành vi trên của trẻ, vấn đề cần quan tâm là cha mẹ có thể làm gì để xử lý hành vi điển hình đó? Theo Jo Frost, bí quyết để giải quyết và dạy con nhỏ trong các trường hợp này là đảm bảo bạn biết cách chuẩn bị tâm lý cho con và duy trì nó một cách đều đặn, thống nhất.
“Giả dụ trường hợp bạn đang ở công viên, trong một buổi dã ngoại và bọn trẻ thì rất mê được chơi trong công viên. Khi bạn nói với các con rằng đã đến giờ về rồi, trẻ sẽ lo sợ và nghĩ rằng, mình sẽ không bao giờ được trở lại nữa. Vậy điều bạn cần làm là chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con và đưa ra mốc thời gian cụ thể. Có thể nói: ‘Chúng ta còn 20 phút nữa cho tới lúc phải về nhà’ hoặc biến nó thành việc thường xuyên trong thói quen của trẻ và đến công viên nhiều lần trong tuần. Khi đó, việc này sẽ trở thành một phần thường xuyên trong thói quen của trẻ. Sự kiên định và nhất quán thực sự là phần chủ chốt trong nuôi dạy con”.
Xoa dịu những cảm xúc tiêu cực bằng cách thấu hiểu con
Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng biết được điều gì đang xảy ra trong đầu con trẻ, Jo Frost cho biết, có một số việc nho nhỏ cha mẹ có thể làm để xoa dịu con.
“Hãy luôn bày tỏ thái độ tích cực. Khi phải đối mặt với bất cứ thay đổi nào trong hoàn cảnh hay lịch trình, điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương cho con – biểu hiện sự vui vẻ và tích cực.
Tích cực là một nguồn năng lượng và trẻ em rất dễ hấp thụ nguồn năng lượng này. Nếu chúng ta tự tin và giọng điệu của chúng ta biểu lộ sự tự tin ấy, trẻ sẽ nhận ra rằng, cha mẹ chúng vẫn ổn và chúng sẽ làm theo gương chúng ta.
Cuối cùng, luôn bày tỏ sự đồng cảm với trẻ. Cố gắng không tỏ ra mất bình tĩnh, cáu giận hay xấu hổ. Thường thì một đứa trẻ ở tuổi chập chững biết đi hành xử theo điều mà trẻ cảm nhận được. Vì vậy, hãy nhạy cảm với cảm xúc của trẻ”.