Với thành phần chứa nhiều khoáng chất như canxi, vitamin C, vitamin D, kẽm, axit lactic và probiotic, sữa chua từ lâu được biết đến như một nguồn bổ sung hiệu quả chất dinh dưỡng và các vi khuẩn có lợi cho đường ruột của trẻ, từ đó hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, giúp trẻ thêm khỏe mạnh. Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua? Cho trẻ ăn sữa chua thế nào là đúng cách? Và cho trẻ ăn sữa chua vào lúc nào trong ngày?…. là những câu hỏi mà hầu hết các mẹ cần giải đáp, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nha mẹ!
Vì sao nên cho trẻ ăn sữa chua?
Trong sữa chua có các lợi khuẩn Probiotics có tác dụng chuyển hóa lactose, làm giảm gần như hoàn toàn những triệu chứng cơ thể không chấp nhận được lactose. Do đó, những người không uống được sữa có thể thay thế bằng sữa chua. Đây cũng là giải pháp cung cấp canxi hiệu quả cho cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ. Ngoài ra, nhờ các lợi khuẩn Probiotics này nên sữa chua rất có lợi cho đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn để hấp thu tốt hơn.
Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua?
Trẻ 6 tháng tuổi có ăn được sữa chua không?, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm nên việc bổ sung các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, trong đó có sữa chua được rất nhiều mẹ quan tâm. Cụ thể:
Trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, đủ 6 tháng có thể bắt đầu tập ăn sữa chua với liều lượng vừa phải, từ ít tới nhiều, từ loãng tới đặc sau đó tăng dần. Nên cho bé ăn sữa chua lỏng, không lạnh, ít đường mà tốt nhất là không đường trong những lần ăn đầu tiên, không nên cho bé ăn sữa quá lạnh hoặc nhiều đường vì có thể khiến hệ tiêu hóa bé bị tổn thương, dẫn đến tiêu chảy.
Trẻ ăn bao nhiêu sữa chua/ ngày là tốt nhất?
Trẻ ăn bao nhiêu sữa chua một ngày là đủ? Lượng sữa chua ăn trong một ngày tùy thuộc theo số tháng tuổi của trẻ nha mẹ. Trẻ 6 tháng tuổi khi mới tập ăn thì chỉ nên cho con ăn sữa chua không đường khoảng 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 50gr. Khi trẻ đã quen với món ăn này thì mẹ có thể tăng dần lượng và số lần ăn lên cho con: 50gr mỗi ngày cho trẻ từ 6-10 tháng tuổi, 80gr/ngày cho trẻ 1-2 tuổi, và từ 2 tuổi trở lên thì trẻ có thể ăn 100gr sữa chua mỗi ngày…
Nên cho trẻ ăn sữa chua khi nào trong ngày là tốt nhất?
Liệu chúng ta có thể cho trẻ ăn sữa chua bất kỳ lúc nào chúng muốn không?. Không phải lúc nào mẹ cũng có thể cho trẻ ăn sữa chua hay ăn theo nhu cầu, sở thích của trẻ, thời điểm tốt nhất để cho trẻ ăn sữa chua là sau bữa ăn chính, khoảng 15 – 20 phút, lúc này pH của dịch dạ dày vào khoảng 4 – 5, đây là pH lí tưởng cho các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt nhất. Không nên cho trẻ ăn sữa chua lúc đói bụng vì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5. Khi trẻ đói, pH trong da dày chỉ bằng 2, do đó nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt.
Cho bé ăn sữa chua thế nào là đúng nhất
Việc cho trẻ ăn sữa chua cũng cần đúng cách để đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ nhỏ. Khi cho trẻ ăn sữa chua, mẹ cần chú ý:
Tuyệt đối không cho trẻ ăn sữa chua quá lạnh hoặc đun nóng. Nếu dùng lạnh quá, các chất dinh dưỡng cũng bị mất đi phần nào, thêm nữa trẻ rất dễ bị viêm họng. Nếu đun nóng, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ mất khả năng hoạt động, lúc này sữa chua đã bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hoá cũng giảm đi đáng kể.
Nên cho trẻ ăn đúng liều lượng, không nên ăn quá nhiều sữa chua bởi nếu trẻ ăn quá nhiều sữa chua sẽ ảnh hưởng đến sự bài tiết của các dung môi trong dạ dày, làm giảm sự thèm ăn và còn gây lạnh bụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng, đi ngoài, ăn kém ngon miệng.
Khi trẻ ăn xong nên cho trẻ súc miệng luôn, bởi do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng của trẻ em. Mẹ cũng không cho trẻ ăn sữa chua kết hợp với các loại thuốc khác. Nguyên do các chất có trong thuốc kháng sinh, hay các loại thuốc có chứa thành phần amin lưu huỳnh cũng có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua. Do đó, việc trả lời câu hỏi trẻ mấy tháng ăn được sữa chua? và cách cho trẻ ăn sữa chua đúng cách là điều rất quan trọng đối với các bậc cha mẹ và với sức khỏe, sự hấp thu của trẻ.